Đây là đoạn đường phân chia lãnh thổ giữa hai quốc gia, nên muốn sang địa phận của nhau, người dân vẫn phải mang theo hộ chiếu.
Đoạn đường có chiều dài hơn 500 m trên bản đồ Vermont (Mỹ) có tên là Canusa Street, còn người dân ở Quebec (Canada) lại gọi là Rue Canusa.
Khi còn nhỏ, ông Pat Boisvert chơi thân với cậu bạn ở nhà đối diện trên phố Canusa. “Cứ 50 lần mỗi ngày, chúng tôi chạy qua chạy lại nhà của nhau. Nhưng bây giờ khác trước nên tôi đoán mọi thứ không như vậy nữa”, ông Pat Boisvert nói.
Vạch kẻ vàng trên phố Canusa ngăn tách hai quốc gia, một bên là địa phận của Mỹ, phía kia thuộc về Canada.
Quả thực, 70 năm sau, chuyện băng qua đường không dễ dàng như trước. Ông Boisvert sống cùng một dãy nhà, như ở phía cuối dãy, lính biên phòng dường như quan sát nhất cử nhất động của cư dân nước láng giềng. Để thăm hàng xóm bên kia con phố, họ vẫn cần tới hộ chiếu.
Con phố nơi ông Boisvert sống cũng chính là biên giới giữa Mỹ và Canada. Tại đây có đường kẻ vàng phân chia hai làn xe cộ, chia đôi đường. Một nửa là của thành phố Stanstead, Quebec, Canada; phía bên kia là Beebe Plain, một khu đô thị ở Vermont (Mỹ).
Phố Canusa được đặt tên nhằm vinh danh hai quốc gia nơi nó chia cắt. Đây cũng là một trong số ít những đường xuyên biên giới đặc biệt trong khu vực. Cuối phố, có một ngôi nhà tọa lạc vị trí đặc biệt – nằm ngay biên giới. Nó có cửa thông ra cả hai nước và được rao bán. Chủ nhân của căn nhà là cư dân lâu năm tại đây và sở hữu hai quốc tịch.
Bên trong thư viện Haskell Free Library có vạch kẻ trên sàn, phân chia lãnh thổ hai nước.
Ông Boisvert đang sống ở lãnh thổ Mỹ nhưng vẫn không quên thời chỉ cần vẫy tay chào những người lính biên phòng khi qua đường. Thời còn đi học, ông có cả những người bạn Canada học chung.
Gần phố Canusa là thư viện Haskell Free Library nằm kẹt giữa hai quốc gia. Bên trong thư viện có vạch kẻ đen trên sàn, chia cắt địa phận lãnh thổ hai nước. Cả công dân Mỹ và Canada đều có thể vào đây.
Đây là nơi du khách cùng lúc đứng giữa hai nước.
Tuy nhiên, lính biên phòng luôn túc trực tại đây nhằm đảm bảo không có người dân nào “vượt biên” trái phép bởi đường biên mong manh này rất dễ bị lạm dụng. Trước đó, một công dân Canada từng bị dẫn độ sang Mỹ vì tội buôn lậu súng trong WC của thư viện.
Nhưng kể từ khi vụ khủng bố ngày 11/9/2001 xảy ra, an ninh biên giới được thắt chặt và kiểm soát nghiêm ngặt. “Nơi đây từng như một đại gia đình hạnh phúc như cách nó đã luôn thế”, ông Boisvert nuối tiếc nhớ về quá khứ.
Quốc Việt/(Theo CBC)/Dân trí