Công Nhật chia sẻ bushcraft camping là cách để thể hiện cá tính của những người đam mê thiên nhiên, yêu sự cổ điển và thích khám phá.
Bushcraft Camping (tạm dịch: cắm trại hoang dã) là một hình thức cắm trại được quan tâm trên thế giới nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Nếu cắm trại là một hoạt động giải trí ngoài trời và ngủ trong lều thì bushcraft yêu cầu thêm các kỹ năng sinh tồn cần thiết, bao gồm tận dụng các tài nguyên thiên nhiên, tư duy của người cắm trại và rủi ro liên quan.
Đặng Công Nhật, sống tại TP HCM, chủ một thương hiệu thời trang cổ điển là một trong những người có đam mê bushcraft tại Việt Nam. Anh giải thích, bushcraft là một hình thức đi cắm trại ở vùng hoang dã, kết hợp với các kỹ năng sinh tồn như xây dựng nơi trú ẩn, tạo ra công cụ phục vụ chuyến đi và một số hoạt động sinh tồn khác. Anh biết được loại hình này từ khoảng năm 2016.
“Hiện tại ở Việt Nam, bushcraft camping này cũng chỉ có một lượng nhỏ người biết đến bởi tính chất yêu cầu nhiều kỹ năng lẫn kiến thức. Tuy nhiên vẫn có một cộng đồng nhỏ cùng đam mê”, Công Nhật chia sẻ.
Những người cắm trại bushcraft thường tự chủ động đi sâu vào rừng núi, những nơi hoang dã nhất để thử thách bản thân. Một điều thú vị về bushcraft mà Công Nhật chia sẻ là ngoài giá trị về công năng, người cắm trại còn tìm những vật dụng là đồ sưu tầm để mang giá trị cổ điển và lịch sử. Chính vì vậy, để có thể tham gia vào thú chơi này đòi hỏi bạn phải thật sự đam mê. Những kỹ năng bạn cần chuẩn bị là cách dựng lều – trại, cách tạo ra lửa ngoài những công cụ hỗ trợ… Quan trọng nhất là các kỹ năng nút cột, tạo ra công cụ hỗ trợ như làm giường, bếp, bàn từ những nguyên vật liệu có sẵn như củi khô, lá cây…. Ngoài đồ dùng thì người cắm trại cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng trước bất kỳ tình huống gì có thể xảy ra.
Thông thường, Nhật chọn địa điểm cắm trại là ở bìa rừng, cách khoảng 1-2 km từ đường mòn. Trong quá trình cắm trại, anh vài lần gặp động vật hoang dã như rắn, khỉ, sóc… nhưng bất ngờ chúng đều chọn cách né tránh con người nên anh không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, Nhật cũng chuẩn bị nhiều đồ dùng và thuốc men phòng tránh rắn hoặc côn trùng cắn.
Mỗi lần cắm trại kiểu bushcraft, Công Nhật như bước sang một thế giới khác. Tại đó, không có sóng điện thoại, không có Internet và không có phiền muộn của cuộc sống thường nhật. Điều này khiến mọi người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Anh được lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên, “tắm rừng” và thanh lọc lại tâm hồn của bản thân.
Để điều chỉnh kỹ năng bushcraft phù hợp với Việt Nam hơn, anh không đặt bẫy, săn bắn hay giết hại động vật trong khi phiên bản gốc, người cắm trại cần tự tìm nguồn thức ăn mà không được mang theo sẵn. Công Nhật thường chọn cắm trại gần nguồn nước để có thể lấy nước dễ dàng vì nước suối rừng khá trong và mát.
Một kỷ niệm đẹp trong lần bushcraft của Nhật là gặp một trận mưa to sau hai ngày cắm trại đã thấm mệt. Vác trên vai khoảng 20 kg đồ trên lưng, bao gồm cả lều trại và rác khiến bước chân trở nên nặng nề hơn, đường rừng sình lầy do mưa lớn, song may mắn cả đoàn đều chuẩn bị giày phù hợp nên không quá khó di chuyển.
Công Nhật chia sẻ, loại hình có thể không trở thành một trào lưu mạnh mẽ nhưng là cách để thể hiện cá tính của những người đam mê về với thiên nhiên, yêu chuộng sự cổ điển và có tâm hồn thích khám phá. Việc đòi hỏi kỹ năng cũng như mức độ khó trong cách chơi là một rào cản khá lớn cho những người mới bắt đầu.
“Mình tin chắc nếu những ai có tình yêu với thiên nhiên, mong muốn hướng tới một thú chơi lành mạnh và nhất là thể hiện được cá tính bản thân nữa thì đây chính là điều mà bạn không thể bỏ qua. Đây không chỉ là một thú chơi mà nó còn là một phong cách sống”, Công Nhật nói.