Ngẫu hứng đến hồ Ba Bể, ngắm cảnh đẹp tựa chốn thần tiên

Share This Post

Khi chúng tôi đang ở Hà Giang, bạn tôi chợt mở bản đồ lên xem và hỏi tôi cái hồ này nằm ở đâu, có xa không. Đó là khởi nguồn cho chuyến đi ngẫu hứng đầy bất ngờ đến hồ Ba Bể.

Đường xa vạn dặm

Từ Đồng Văn, chúng tôi băng qua đèo Mã Pí Lèng xuống Mèo Vạc, tiếp tục đi hết QL4C men theo sông Nho Quế. Khắp triền sông, có một đoạn ở Niêm Tòng tôi bắt gặp cả rừng hoa gạo trơ trọi lá, những búp hoa nhú lên, chắc chỉ ít ngày sẽ bung nở rực rỡ.

Đèo Mã Pí Lèng ngày nhiều mây

10km cuối cùng từ QL4C ra QL34 rất rất xấu do đường có mấy cái thủy điện xây, xe tải đi cũng nhiều, chiếc xe máy xóc nảy liên tục, đôi khi chẳng kịp né xông cả xuống những ổ gà to đùng làm tôi ê cả mông. Thêm nữa là chẳng biết vì sao mà trời nóng dữ dội. Rõ ràng đêm qua chúng tôi còn khổ sở không dám đụng vào nước vì quá lạnh, thế mà hôm nay trời có chút nắng đã vã mồ hôi, phải dừng lại lột bớt áo len ra cho dễ chịu.

QL4C từ Hà Giang đi Cao Bằng

Đổi lại thì phần đường tiếp theo ở QL34 thật mịn màng xinh đẹp nhưng cũng dễ làm chúng tôi ngán ngẩm bởi cảnh vật lặp đi lặp lại: những khúc cua vắt từ đồi này sang đồi khác. Đứng từ đồi này đã nhìn thấy đoạn đường tiếp theo mình sắp phải đi đâu đó tuốt luốt bên đồi kia mà sao đi mãi đi hoài không thấy đến nơi, thật ngán vô cùng.

Vào địa phận Cao Bằng là xứ sở của cây trúc. Cây trúc ở đây đốt ngắn, nên chắc không dùng để làm sáo rồi. Hình như người ta trồng làm mấy đồ trang trí nội thất, bàn ghế, rồi vật liệu xây dựng này nọ. Ngang qua những rừng trúc này thật giống như cảnh trong phim Thập diện mai phục. Chúng tôi đều đồng ý với nhau là Cao Bằng đẹp quá, đồi núi cũng đẹp, đường đẹp, đèo dốc cũng chẳng thua kém gì Hà Giang cả.

Rừng trúc ven đường ở Cao Bằng

Đến khúc giao định mệnh giữa QL34 và TL212 chúng tôi phải đứng lại ra 1 quyết định trọng đại. Chúng tôi đang đứng ở khu vực đông dân cư, ngay trước một nhà nghỉ tiện nghi, nhưng nếu nghỉ ở đây thì quá là điều bình thường rồi, vẫn còn đang sớm, mới hơn 4h chiều. Qủa thật chúng tôi không quen nghỉ ngơi sớm như thế.

Nhưng nếu đi tiếp thì chẳng biết bao lâu nữa mới đến Ba Bể, nhỡ đâu không có chỗ nghỉ thì sao, nhỡ đường xấu thì sao. Tôi xuống bên đường hỏi hai bác đang đứng ở ngã 3, một bác bảo không biết, một bác bảo đi tầm 2 tiếng, đường dễ đi. Thế là yên tâm, chúng tôi đi tiếp. Nắng vẫn vàng ươm nhưng vào TL212 thì trời bất chợt nổi gió và trở lạnh tê tái làm chúng tôi lại vội vàng dừng xe mặc thêm mấy lớp áo len. Đúng là không gì khó đoán như thời tiết.

Đến đây thì tôi có một phát hiện nhầm lẫn khá là buồn cười khi nhìn bên đường thì bất chợt reo lên với bạn, ơ cây phong kìa, nhiều quá. Bạn tôi nhìn cũng bảo ừ cây phong. Tôi còn nghĩ ồ hay ghê, hóa ra Cao Bằng còn là là xứ sở của cây phong mà giờ mới biết. Mãi sau này về nhà tra google lại mới biết đó không phải cây phong mà là cây Sau Sau –một loài cây cũng thuộc họ phong, với tên gọi rất hay: phong hương, vì nhựa cây này có mùi rất thơm. Lá cây sau sau có 3 cánh nhọn giống lá phong, mùa thay lá cũng ngả vàng. Khi chúng tôi đi ngang qua đây, cây đang ra lá non, nhiều vô kể. Nghe nói lá non của cây Sau Sau có vị chua chát ăn kèm với canh chua thịt băm rất ngon, là món đặc sản của Lạng Sơn và Cao Bằng. Đáng tiếc là tôi vẫn chưa được ăn thử.

Lá sau sau ăn với canh chua thịt băm. Ảnh: Internet

Chúng tôi đi ngang qua đỉnh Phia Oắc cũng vừa lúc bắt đầu buổi hoàng hôn lộng lẫy. Phia Oắc là đỉnh núi cao nhất của Cao Bằng, cũng là đỉnh cao nhất trong cánh cung Ngân Sơn, ngày xưa học Địa lý chắc bạn có nhớ 4 cánh cung chụm lại ở Tam Đảo, mở ra ở phía bắc và phía đông: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều. Tôi đi qua Phia Oắc cứ nhớ địa danh này có gì quen thuộc. Mãi sau mới nhớ ra, trong mấy đợt rét mướt thì đỉnh này hay có băng tuyết phủ trắng xóa, được đưa lên trên bản tin dự báo thời tiết. Trên này người Pháp ngày xưa đã xây khu nghỉ dưỡng, biệt thự giống như Đà Lạt. Ôi hèn gì mà vừa vào con đường này thì trời trở lạnh, hóa ra là tăng độ cao.

Đường lên Phia Oắc lúc hoàng hôn

Và tôi khẳng định Phia Oắc rất đẹp, đẹp từ khung cảnh núi rừng bát ngát mênh mông. Đẹp từ những ánh nắng chuyển từ vàng sang hồng ở chân trời. Dù đã đi qua bao lần hoàng hôn ở nơi núi non trùng điệp, nơi sông nước bát ngát, thì tôi vẫn cứ say sưa như thế, chẳng khi nào không ngạc nhiên trước thần mặt trời. Lúc này đường còn xa vạn dặm, nhưng vẫn nhất quyết đứng lại tiễn mặt trời đi ngủ sau núi.

Mặt trời vừa khuất sau núi thì mặt trăng treo sau lưng. Hôm nay mới được thấy trăng đẹp như thế, vì hôm trước trời mù mịt mây mưa. Không phải lần đầu phải chạy xe tối muộn vì cái hứng lang thang, nhưng là lần đầu được chạy cùng trăng chênh chếch. Đường vì thế mà cũng không tối lắm, không đáng sợ, dù đèn xe như con đom đóm chập chờn.

Rời TL212 chúng tôi tiếp tục đi vào QL279 về Chợ Rã. Đường đẹp nên cũng đỡ ngán, chứ giờ mệt lắm rồi. Đến thị trấn may quá có một quán cơm to đùng còn mở, vào ăn cơm lấy lại chút sức lực rồi quyết định có đi tiếp hay không. Từ đây vào hồ Ba Bể còn mười mấy km. Chúng tôi động viên nhau: mấy trăm km còn chạy qua hết rồi, giờ còn có xíu, đi tiếp chứ sao phải ở thị trấn. Và thế là chúng tôi lao đi tiếp, mặc kệ lời phân tích thiệt hơn của bà chủ quán rằng ngủ ở thị trấn cho rẻ. Vội vàng search google tìm một homestay gọi điện hỏi phòng. 8h30 tối, chúng tôi tiến vào hồ Ba Bể.

Hồ Ba Bể nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Vừa qua cổng Vườn quốc gia Ba Bể là nghe tiếng râm ran quen thuộc của các loại côn trùng khi vào rừng. Tôi đặt homestay ở bản Pác Ngòi nằm gần hồ. Đường từ cổng Vườn vào bản tầm 5km nhưng đường khá xấu, không có nhà dân, chỉ có cây cối um tùm che cả ánh trăng.

Chị chủ homestay thấy muộn mà khách chưa đến, gọi điện hỏi thăm rồi chỉ đường, rồi ra tận cửa đón. Dẫn chúng tôi lên gác, chị bảo em thích ngủ phòng nào cũng được, chỗ này của bọn em hết, nay nhà chị không có khách, rồi mang nào khăn, ấm trà, nước nóng. Quá mệt mỏi cho một hành trình hơn 250km đường trường từ tờ mờ sáng, chúng tôi đi ngủ sớm mà vẫn chưa nhìn thấy mặt mũi hồ Ba Bể tròn méo thế nào.

Buổi sáng lướt đi trên mặt hồ êm ả

Buổi sáng ở Ba Bể tôi thức giấc lúc 6h, dù đồng hồ báo thức chưa kêu, có lẽ do thói quen dậy sớm những ngày đi chơi. Bật dậy mở cửa sổ rồi định nằm ngủ thêm chút nữa, mà chẳng ngủ được, đẩy cửa sổ ra nhìn khung cảnh xanh mướt bên ngoài. Nó làm tôi nhớ đến Inle lake ở Myanmar, cũng bầu không khí lạnh và những đám mây bao phủ mặt hồ xanh phẳng lặng. Cũng một ngôi làng nhỏ bé hiền hòa.

Rồi tôi tự hỏi vì sao Inle lại được khách nước ngoài biết đến nhiều như thế. Một phần là vì người ta đã gắn nó với một câu nói đi vào tiềm thức “Đến Myanmar nhất định không thể bỏ qua Inle”. Vậy thì bây giờ hãy để tiềm thức mọi người ghi nhớ: “Đến Việt Nam, đi Đông Bắc, không thể bỏ qua Ba Bể”.


Homestay ở bản Pác Ngòi

Khung cảnh từ cửa sổ phòng ngủ

Bạn tôi dậy sau, pha 1 ấm trà rồi 2 chúng tôi ngồi uống, nhìn trời đất, nhìn sương phủ mặt hồ phía xa. Nhàn tản như thể hôm nay chẳng phải vượt một chặng đường xa trở về Hà Nội.

Chúng tôi thuê thuyền đi dạo hồ từ nhà anh chị chủ homestay, anh chủ lái luôn. Anh bảo đi chơi hết hồ thì mất 4 tiếng hoặc cả ngày, tôi bảo bọn em không có nhiều thời gian, đi 2 tiếng thôi.

Bản Pác Ngòi đang mùa cấy lúa. Cả bản có 90 hộ dân là người dân tộc Tày thì có đến 21 hộ làm homestay. Homestay nhà anh chị chủ khá rộng, phòng sạch, view nhìn ra hồ cũng rộng và thoáng dù hơi xa. Đi tầm 900m thì đến bến thuyền, anh chủ tra dầu máy rồi hì hục một lúc máy mới nổ.

Bến thuyền buổi sáng sớm. Ảnh: Trịnh Văn Trung

Hồ Ba Bể rất đẹp, nhất là vào buổi sáng sớm khi nắng vừa vặn lên cùng mây. Con thuyền lướt đi trên mặt hồ lạnh lẽo, trong xanh. Anh lái thuyền ghé vào 2 điểm cho chúng tôi chơi là Ao Tiên và đền An Mã. Ao Tiên là một hồ nước nằm trên một hòn đảo, hòn đảo này lại nằm giữa hồ Ba Bể, hồ trong hồ.

Con thuyền lướt đi giữa hồ Ba Bể

Ao Tiên – hồ trong hồ

Nếu thời gian nhiều hơn, chắc chắn nên đi thăm động Puông, động Hua Mạ – những nơi đẹp nhất của Ba Bể – anh lái thuyền bảo vậy. Thế thì hẹn lần sau lại đến Ba Bể. Hẹn một lần lên tự chèo thuyền trên hồ, mượn xe đạp đi xuyên rừng.

Khung cảnh xanh mướt của rừng núi và mặt hồ hòa quyện vào nhau

Du khách tự chèo bè trên hồ

Còn buổi sáng hôm ấy, chúng tôi chỉ ngồi ngắm sương bay lên trên mặt hồ, ngắm những dãy núi xếp chồng phía xa và những tán cây cổ thụ rủ xuống ven hồ. Con thuyền rẽ đôi làn nước xanh trong băng băng tiến về phía trước.

Huyền Trần/ Du lịch TP.HCM

Xem thêm: Đến Buôn Ma Thuột, chớ bỏ quên những địa điểm này kẻo tiếc hùi hụi!

Xem thêm

Stay In Touch

Be the first to know about new arrivals and promotions