Tôi cùng một người bạn có chuyến đi đến Phú Quý vào cuối tháng 5. Du lịch ở đây chưa phát triển, không nhà hàng sang trọng, không quán bar nhộn nhịp, chẳng có resort hạng sang.
Đổi lại, Phú Quý có cảnh đẹp thiên nhiên còn nguyên sơ, nhiều đoạn đường 2 bên chỉ toàn cây cối, rừng rậm. Những ngôi nhà cấp 4 san sát hướng ra biển cho du khách cảm giác yên bình, gần gũi.
Hòn đảo nhỏ này còn thu hút bởi cung đường dọc bờ biển xanh, bãi cát trắng đầy mê hoặc, những rạn san hô bãi cạn nhiều hình thù, màu sắc…
Di chuyển đến Phú Quý
Từ TP.HCM, tôi đặt xe khách lúc 22h30, chuyến xe muộn nhất đến Phan Thiết (Bình Thuận) trong ngày. Đặt chuyến xe cuối cũng là cách tiết kiệm thời gian di chuyển. Xe chạy khoảng 6 tiếng sẽ đến trung tâm thành phố Phan Thiết. Tôi di chuyển tiếp đến cảng Phan Thiết để chờ tàu cao tốc ra đảo
Tàu cao tốc chỉ có một chuyến duy nhất lúc 6h30. Nếu ngại di chuyển liên tục, bạn có thể đến Phan Thiết từ sớm, nghỉ lại qua đêm để chờ tàu ra đảo.
Để chuyến đi suôn sẻ, tôi phải xem dự báo thời tiết trước một tuần, kiểm tra cấp gió và mức sóng. Thông thường, gió giật khoảng cấp 3-4, mức sóng dưới 1 m là thời tiết đẹp, không lo say sóng khi đi tàu ra đảo.
Khi chọn chỗ trên tàu, để có vị trí nằm thoải mái, tránh say sóng, bạn nên chọn vị trí giữa hoặc tàu, giường nằm dưới sàn. Tàu chạy hơn 2 tiếng là cập bến đảo Phú Quý.
Tôi chọn chuyến đi vào ngày giữa tuần nên vắng người, thời tiết đẹp, sóng êm. Tuy nhiên, do tôi chọn giường nằm tầng trên nên cảm giác khá chóng mặt khi tàu chạy.
Tàu cao tốc ra đảo Phú Quý có mức giá 400.000 đồng/người/chiều. Bạn nên đặt vé khứ hồi để chủ động lịch trình và có vị trí nằm ưng ý.
Tàu cập bến, chủ homestay liên lạc với tôi để giao xe máy tại cảng và di chuyển vào trung tâm đảo. Đảo nhỏ nên các địa điểm khá gần nhau, tiện đi lại.
Hòn đảo không có resort
Đảo Phú Quý chưa phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, vì thế các loại hình lưu trú không đa dạng, chỉ có homestay, nhà nghỉ và khách sạn nhỏ.
Nếu muốn ở gần trung tâm, bạn nên lựa chọn các điểm lưu trú tại xã Tam Thanh. Ưu điểm là dễ kiếm các điểm ăn uống, đi lại buổi tối thuận tiện. Điểm trừ là phòng khó có view sát biển.
Tôi chọn một homestay thuộc thôn Phú Long, xã Long Hải, phòng có view nhìn thẳng ra biển. Gần homestay là một làng chài nhỏ yên bình. Địa điểm này cách trung tâm hơn 2 km.
Đường đi vào ban ngày khá dễ dàng. Tuy nhiên, di chuyển buổi tối hơi khó khăn vì một số đoạn đường vắng vẻ, không có đèn, ít xe qua lại, hai bên đường chỉ toàn cây cối. Vì đảo chưa có taxi, 3 ngày ở đây tôi hạn chế di chuyển vào buổi tối, chỉ đi ăn ở trung tâm và trở về homestay trước 21h
Homestay tôi thuê khá khang trang, phòng riêng sạch sẽ, tiện nghi không kém các khách sạn nhỏ. Điểm trừ là Wi-Fi ở đây khá yếu, kết nối mạng thường xuyên chập chờn. Giá thuê là 450.000 đồng/đêm. Đây là mức giá trung bình khi thuê phòng tại đảo này.
Những năm gần đây lượng khách đến Phú Quý tăng, người dân đảo mới bắt đầu xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú. Chủ nhà hiền hòa và tận tình với du khách, sẵn sàng làm hướng dẫn viên địa phương nhiệt tình khi khách cần.
Món bò nóng đặc sản
Chi phí ăn uống tại Phú Quý rất rẻ. Trên đảo không có nhà hàng sang trọng, hầu hết là quán ăn gia đình, quán nhậu hoặc các điểm bán hải sản tươi tại làng bè.
Ngoài các loại hải sản, Phú Quý còn có đặc sản nổi tiếng là bò nóng. Theo lời giải thích của người dân địa phương, những con bò lấy thịt được chăn thả trên đồng cỏ ven biển, ít mỡ, bò còn tơ, thường được lấy thịt khi chưa quá một tuổi. Phần bì được thui bằng gỗ cây ngũ trảo, tạo mùi thơm đặc trưng.
Bò không bán theo món mà bán theo trọng lượng. Thực khách sẽ yêu cầu số kg và món muốn chế biến. Thịt bò tươi, thui nóng, dùng trong ngày nên có tên là bò nóng.
Bữa trưa đầu tiên trên đảo, tôi gọi nửa kg bò nóng cho phần 2 người ăn, món chế biến là bò nhúng giấm. Đĩa thịt bò tươi, đỏ hồng, phần bì được thui vàng, nhìn khá giống thịt bê. Bò nhúng giấm có phần rau nhúng ăn kèm là các loại rau trên đảo.
Đi biển không thể bỏ qua hải sản. Tôi tìm một quán hải sản ở trung tâm theo lời chỉ dẫn của chị chủ homestay. Vì là ngày thường nên quán khá vắng, phục vụ cũng nhanh. Mỗi món hải sản ở đây dao động khoảng 70.000-80.000 đồng/đĩa. Đĩa hải sản hấp dẫn nhất là món ốc đảo hấp sả ớt. Thịt ốc dày, chắc, miếng to, tươi giòn sần sật.
Nếu muốn thưởng cua huỳnh đế và cua mặt trăng – đặc sản Phú Quý – bạn nên đến các làng bè. Mua cua tươi đem về cần phải đặt trước một ngày.
Chèo SUP, lặn biển ngắm san hô
Để khám phá hết huyện đảo cần khoảng 4-5 ngày, vì Phú Quý còn một số đảo nhỏ xung quanh. Nếu chỉ đi chơi ở đảo lớn, bạn có thể chọn hành trình 3 ngày 2 đêm, thời gian di chuyển đã mất gần 2 ngày, còn lại dành cho các hoạt động vui chơi trên đảo.
Phần lớn điểm tham quan trên đảo đều là tự phát, các dịch vụ du lịch hầu như chưa có. Chạy xe một ngày là bạn có thể ghé thăm hết các địa điểm nổi tiếng trên đảo.
Các điểm tham quan, chụp hình trên đảo gồm Gành Hang, bãi Nhỏ, vịnh Triều Dương, hải đăng Phú Quý, dốc Phượt, cánh đồng điện gió Phú Quý, hồ cá Làng Dương, chợ cá Long Hải, các làng chài ven biển…
Hiện, có 2 tour du lịch địa phương bạn có thể đặt khi đến Phú Quý là tour Hòn Tranh và tour lặn biển ngắm san hô bãi cạn. 2 tour này đều có giá 250.000 đồng/người, được phát triển bởi một đội hướng dẫn viên địa phương.
Tôi chọn tour chèo SUP, lặn ngắm san hô vì bãi cạn ngay sát homestay, tiện đi lại. Du khách được đưa ra một bè nhỏ trên biển để cất đồ đạc, sau đó tiếp tục chèo SUP ra bãi cạn để lặn ngắm san hô. Các hướng dẫn viên sẽ chỉ dẫn du khách chi tiết cách chèo SUP. Khi lặn sẽ có người hướng dẫn kèm riêng.
Sau khi lặn biển, chèo SUP thỏa thích cũng là lúc hoàng hôn buông. Du khách vào bờ gần hết, tôi nán lại bè tận hưởng buổi chiều muộn trên biển, trò chuyện với những hướng dẫn viên địa phương đến tận khi thủy triều rút sâu, cùng họ chèo SUP trở lại bờ lúc trời đã nhá nhem tối.
Buổi sáng cuối cùng trên đảo, tôi tranh thủ đi loanh quanh các chợ cá, làng chài ven biển, thu dọn hành lý và ra cảng lúc 10h để kịp chuyến tàu về Phan Thiết, kết thúc chuyến đi 3 ngày ở Phú Quý.