Đã đến lúc mở cửa đường bay quốc tế

Share This Post

Việc mở cửa hàng không quốc tế để Việt Nam không bị lỡ nhịp đón các nhà đầu tư, khách du lịch, dịch chuyển lao động, du học sinh đi/đến các nước học tập…

Hai năm qua, dịch COVID-19 đã gây kiệt quệ ngành hàng không thế giới, trong đó có hàng không Việt Nam (VN). Tuy nhiên đến nay, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh dựa trên nền tảng và kinh nghiệm phòng chống dịch, nhiều nước đã nhanh chóng mở cửa tiếp nhận lao động từ các nước, đón khách du lịch quốc tế, du học sinh.

VN cũng đã công nhận hộ chiếu vaccine với 72 nước. Vậy thời điểm này đã thích hợp để ngành hàng không VN mở cửa trở lại?

Nhiều thị trường trọng điểm mở cửa tiếp nhận hàng chục ngàn lao động Việt Nam sẽ kích cầu đi lại bằng đường hàng không quốc tế. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Băn khoăn nhập cảnh cách ly bảy ngày

Thời gian qua, nhà chức trách hàng không đã nhiều lần đề xuất mở cửa hàng không quốc tế đi/đến 15 quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng các chuyến bay thường lệ quốc tế vẫn chưa được khai thác, dù các hãng hàng không luôn khẳng định các nguồn lực để khi nhà chức trách cho phép họ sẽ cất cánh ngay.

Mới đây nhất là ngày 8-11, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ VN. Trong giai đoạn đầu thí điểm, Bộ GTVT đề xuất tập trung đón công dân VN và thí điểm đón khách quốc tế theo tour, thực hiện từ quý I-2022. Hành khách đến VN trong giai đoạn này phải tiêm đủ liều vaccine và phải cách ly tập trung bảy ngày, các trường hợp khác phải cách ly 14 ngày và chịu toàn bộ chi phí cách ly…

Tại tọa đàm mở lại thị trường hàng không quốc tế do báo Giao Thông vừa tổ chức, các nhà chức trách hàng không, cơ quan quản lý du lịch, y tế và chuyên gia thống nhất quan điểm mở cửa đón khách quốc tế để không bị chậm chân so với các nước. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý, các chuyên gia nêu nhiều vướng mắc cần tháo gỡ đối với khách nhập cảnh vào VN, đó là thống nhất hướng dẫn hộ chiếu vaccine đối với khách quốc tế; băn khoăn cách ly tập trung bảy ngày khá dài và tốn kém nhiều chi phí; khách du lịch vào VN bị nhiễm COVID-19 sẽ điều trị ra sao.

Từ đó các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng nếu các vấn đề này được tháo gỡ sẽ khơi thông luồng khách quốc tế đến VN và chúng ta sẽ không bị lỡ nhịp đón các nhà đầu tư, khách du lịch, dịch chuyển lao động, du học sinh đi/đến các nước học tập để nâng vị thế VN trên trường quốc tế.

Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng mở cửa rồi đóng trở lại sẽ bào mòn nguồn lực các hãng hàng không, nền kinh tế và chi phí tốn kém để phòng chống dịch COVID-19, gây sự dè dặt đi lại của hành khách.

Hàng chục ngàn lao động chờ xuất cảnh và về nước

Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai – doanh nghiệp phái cử mỗi năm hàng ngàn thực tập sinh sang Nhật làm việc, cho biết các nước tiếp nhận số lượng lao động lớn từ VN đã nới lỏng chính sách nhập cảnh để có nguồn lao động, phục hồi kinh tế. Đây là dịp tốt để ngành hàng không bắt nhịp mở các chuyến bay quốc tế đến các nước, tạo thông thương cho nhà đầu tư và dòng dịch chuyển lao động quốc tế. Hiện chính phủ Nhật Bản tạm thời cho phép 3.500 người nhập cảnh/ngày, dự kiến cuối tháng 11 sẽ xem xét nâng lên 5.000 người/ngày.

Đáng chú ý, Nhật Bản đã giảm thời gian cách ly xuống còn ba ngày đối với người đã được tiêm hai mũi (ít nhất sau 14 ngày) bằng một trong ba loại vaccine phòng COVID-19 đã được phê duyệt ở Nhật Bản và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh. Điều này giúp người lao động bớt áp lực và các công ty sử dụng lao động nhanh chóng có nguồn lực để đưa vào nhà máy sản xuất.

Theo ông Sơn, việc khai thác các chuyến bay trong giai đoạn này sẽ tạo cơ hội cho hàng chục ngàn lao động từ các nước đã hết hạn hợp đồng được về nước sau nhiều tháng gia hạn. Lực lượng này khi về nước cũng sẽ tạo khoản thiếu hụt nguồn nhân lực để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng tuyển dụng lao động mới. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý thời gian cách ly tập trung tại VN kéo dài bảy ngày như hiện tại đối với lao động về nước gây tốn kém nhiều chi phí, thêm gánh nặng cho người lao động. “Nên tính toán rút ngắn thời gian cách ly để giảm chi phí cho người lao động về nước lúc này là rất cần thiết” – ông Sơn đề xuất.•

 

Đồng bộ hộ chiếu vaccine

Từ tháng 9-2020, Cục Hàng không VN đã trao đổi với các nhà chức trách hàng không các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan để mở lại đường bay quốc tế hai chiều. Tuy nhiên, vướng mắc khi mở đường bay quốc tế là chúng ta yêu cầu cách ly bảy ngày, thời gian tới có thể tính toán rút ngắn thời gian cách ly dựa trên nền tảng đã tiêm đủ mũi vaccine, xét nghiệm kháng thể, đã khỏi bệnh do COVID-19. Bên cạnh đó, khi đồng bộ, giấy chứng nhận hộ chiếu vaccine được sử dụng rộng rãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi lại bằng đường hàng không.

Ông VÕ HUY CƯỜNG, Cục phó Cục Hàng không VN

Mở cửa các chuyến bay quốc tế là hết sức khẩn thiết

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), đơn vị trong gần hai năm qua đã đón hàng trăm chuyến bay đưa công dân VN về nước và là nơi tiếp nhận thí điểm khách nhập cảnh cách ly bảy ngày, cho rằng mở cửa các chuyến bay quốc tế để thông thương đi lại và giải cứu ngành hàng không là hết sức khẩn thiết. Tuy nhiên, cần giám sát chặt để kiểm soát dịch bệnh bởi nếu lơ là, mở cửa thiếu kiểm soát sẽ trả giá bởi các chi phí liên quan đến dịch bệnh còn cao hơn doanh thu từ kinh tế.

Theo ông Sáu, việc mở cửa bầu trời quốc tế đi đôi với phòng chống dịch nhưng cũng không nên để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, chia cắt, mỗi địa phương vận dụng theo cách khác nhau gây khó cho khách nhập cảnh. Trong đó, cần vận dụng công nghệ đồng bộ, thống nhất một ứng dụng dễ hiểu, dễ thực hiện nhất nhưng vẫn đảm bảo dữ liệu khai báo y tế, dịch chuyển thông suốt, thay vì quá nhiều ứng dụng như thời gian qua khi dữ liệu không kết nối đồng bộ, khách mất nhiều thời gian khai báo.

 

PHONG ĐIỀN/PLO

Xem thêm: Đặt tên Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, Xuân Diệu cho đường phố Hà Nội

Xem thêm

Stay In Touch

Be the first to know about new arrivals and promotions