Cây cầu khỉ hiện hữu và có giá trị tính bằng giờ bằng phút với người dân miền Tây, ngoài đi lại còn là buôn bán, giao thương.
Không phải những con đường hay toà đài kỳ vĩ mà trong lịch sử vài trăm năm người Việt khai hoang khẩn hóa miền Nam, những con kênh đào ở vùng châu thổ rộng lớn Cửu Long mới chính là những công trình có ý nghĩa nhất có thể được xem là các “mao mạch” kết nối những vùng đất với nhau. Câu nói: “Ở xứ này nhắm mắt bước đằng nào cũng gặp sông gặp nước” chính là phản ánh đúng thực trạng ấy.
Ngày xưa, mênh mông sông nước, giao thông chủ yếu có 2 đường là đường thuỷ và đường bộ. Đường thuỷ thì đi bằng xuồng, ghe, tắc ráng, … Đường bộ thì thường đi bộ, bởi thế mà người miền Tây mới gọi là “lội bộ”. Và để có thể thuận lợi qua được sông, rạch mà không phải ướt mình thì họ phải dựa vào những cây cầu hoặc đò ngang. Cứ thế, những câu cầu khỉ trở thành “cơ sở hạ tầng” đặc biệt lâu đời nhất miền Tây.
Điều gì đã làm “di sản” của người miền Tây trở thành “cây cầu nguy hiểm nhất thế giới”?
Đố những xung quanh mình để xem có bao nhiêu người biết vì sao người ta gọi cây cầu này là “cầu khỉ” mà không gọi là bất kỳ cái tên nào khác, tôi cũng được một kết quả đáng ngờ. Người ta hay hình dung về người đi qua nói “chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ”. Hoặc là giả dụ chính người dáng người đi lom khom “như con khỉ” của người ta đã khiến cho nó “chết” cái danh này.
Thật ra thì đều đúng, người miền Tây thường dùng từ tượng hình hoặc tượng thanh để gọi tên những thứ hiện hữu trong đời sống của họ. Câu khỉ mà cũng là cầu dừa nếu nó được làm bằng cây dừa hoặc cầu tre nếu nó được dựng bằng tre.
The Richest – một trang tin của Mỹ từng đưa ra danh sách 10 cây cầu nguy hiểm nhất thế giới, trong đó, cầu khỉ Việt Nam xếp ở vị trí thứ 9 với nhiều lời cảnh báo dành cho “sản phẩm độc đáo” này của người miền Tây.
Cứ phải nhìn cách qua cầu khỉ là biết được đó có phải người xứ này hay không. Mỗi một “chiến” qua cầu, người dân xứ này chỉ mất lâu lắm là 1 phút. Trong chưa tròn một câu nói, người ta đã nghe giọng người ở giữa cầu: “Đi quận này nữa là 4 quận rồi”.
Cây cầu khỉ hiện hữu và có giá trị tính bằng giờ bằng phút với người dân trong vùng, ngoài đi lại còn là buôn bán, giao thương. Ở thời điểm hiện tại, câu khỉ ở miền Tây không còn nhiều, thậm chí còn hiếm thế nhưng ở mỗi điểm xuất hiện, nó vẫn làm tròn nhiệm vụ “đưa” người dân qua bên kia sông.
Người miền Tây chẳng ai quan tâm khi “cầu khỉ được xếp vào top những cây cầu nguy hiểm nhất Việt Nam”. Với họ không có điều gì bền lâu ở cái đất này nếu nó không gắn bó trực tiếp với cuộc sống người dân. Tuổi thọ của mỗi cây cầu khỉ có thể lên đến chục năm, nhưng chuyện đó chẳng sá gì khi mà nó là “công trình” mà bất kỳ ai trong xóm cũng dựng được từ đàn ông đến đàn bà. Dựng theo cách tôi nói ở trên là dùng được, thậm chí dùng lâu tới vài năm. Chứ không chỉ đơn thuần cặm cây như một mô hình!
Ở cái xứ này, đàn ông uống vài ba ly rượu sỉn sỉn say say đi qua cầu khỉ mà té ao là chuyện bình thường! Như có người trực sẵn hai bên bờ, hễ có bề gì, cỡ nào họ cũng tụm 5 tụm 3 vớt lên, vậy là người say hoá thành người tỉnh bằng cái sự tự thử thách kỳ cục này!
Cầu khỉ có quy tắc của cầu khỉ, muốn qua được bên kia sông phải biết!
Cảnh mấy đưa con nít tụ tập lên cầu khỉ rồi nhảy xuống kênh bơi trở thành một kỷ niệm gì đó rất khó quên trong lòng người dân vùng sông nước. Người lớn thì gồng gánh, vác cả xe đạp trên vai, mỗi ngày đi qua lại chừng 10 bận, miệng lúc nào cũng chúm chím như chuẩn bị một tràng chuyện dài mới nghe được từ xóm trên rồi “bỏ túi” đem về xóm dưới kể nhau nghe.
Những tưởng ai dựng lên cũng được thế nhưng đấy là phải người dân trong vùng, thành thạo hết nấc những cái thuộc về “điều kiện tự nhiên”.
Đầu tiên, cầu phải được dựng từ thân cây dừa, thân cây tre lồ ô, tràm, đước,… đã qua ngâm dầu hoặc nước để dùng được lâu. Cầu khỉ chỉ được bắc ở nơi nước nông, dòng nước “hiền”, không chảy siết. Nếu dân trong vùng đông đúc thì cầu thường có nhiều cây trụ, phải gác trụ chéo, còn nếu có người già hoặc bọn trẻ con đi học thì cầu thường có tay vịn ngang. Độ dài ngắn của cầu còn tùy thuộc vào độ lớn giữa hai bờ.
Cánh đàn ông, thanh niên trai tráng trong vùng thường chọn lúc con nước xuống rồi lội ra giữa sông thay nhau đóng cọc chân cầu, cọc cao từ 2 – 3 mét hoặc hơn rồi dùng dây dừa khô buộc các giao điểm, thứ dây này chắc tới nỗi có thể là xích đu cho cả chục thanh niên ngồi lên. Tiếp đến, họ chọn loại cây chắc nhất đặt ngang các cột, cố định với trụ bằng đinh, dây dừa, dây chì.
Cái tình của dân miền Tây khéo léo ở chỗ, ở một số nơi có ghe, xuồng, đò,… đi qua hằng ngày, thanh cây ở giữa cầu sẽ không buộc cố định mà có thể nhấc lên được, hay còn gọi là cầu “quá giang”. Cảnh “quá giang” kiểu này bây giờ không còn nhiều, thế nhưng nó cũng là thứ từng tồn tại và được xem là đặc sắc nhất vùng này.
Còn trông bộ dạng của những người ngoại vùng đến đây mà phải đi qua cầu khỉ, bước đi trên thứ “đặc sản” như vậy làm sao mà quên được cơ chứ! May thì gặp cầu có “tay vịn” còn không thì chỉ mỗi một thanh bắc ngang sông, bên dưới có được vài cây cọc. Chân đi nhưng miệng thì cứ lẩm bẩm như nói phong long, hứa không có lần sau đến đây! Ấy thế mà đi chừng vài ba lần, cũng cái ngữ lẩm bẩm ấy nhưng ghiền hồi nào không hay! Cho đến khi đi qua thấy người tự động gù lưng lại, vừa đi miệng vừa hỏi thăm người bên kia sông: “Cơm chưa anh chị?”, là thành công rồi đó!
Cầu khỉ độc đáo nhưng “vắng bóng” dần ở miền Tây
Bây giờ cầu khỉ hiếm, muốn tìm phải về tận miệt thứ vùng sông nước nhiều như Cà Mau, U Minh,…
Người miền Tây vốn dĩ xem cầu khỉ như một phương tiện đi lại, giao thương gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày. Sự vắng bóng của nó rồi được thay bằng bê tông, bằng xi măng, bằng đường nhựa, những công trình, con đường dẫn người dân đến gần hơn với sự phát triển, đô hội. Cây cầu vừa nguy hiểm vừa gập gềnh, chông chênh thì còn có mấy người muốn giữ?
Ấy vậy mà, ông bà mình thỉnh thoảng cứ nhớ dai dẳng cái cảm giác hồi cưới nhau. Nhà ông bên đây sông, nhà bà bên kia sông. Muốn rước dâu thời ấy phải đi qua cầu khỉ. Cả một dàn bê tráp lọ mọ từ khi gà mới gáy, ông mặc chiếc áo sơ mi, quần tây đóng thùng mang trầu cau sang hỏi cưới bà, khi ấy ống quần dính một chút sình non từ trên cầu khỉ rồi cất lời: “Nếu mà không có cây cầu chắc gì mình đã quen nhau!”.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm: Chùm ảnh: “Fall in love” đẹp ngất ngây ở Dinh 2 Bảo Đại- Đà Lạt