Ngoài lẩu Tứ Xuyên “ăn chan nước mắt” vì cay, lẩu cừu Bắc Kinh hay lẩu nấm Vân Nam cũng là những cái tên nổi tiếng.
Người dân ở các khu vực khác nhau tạo ra các hương vị và cách ăn lẩu khác nhau, dựa trên thói quen ăn uống của từng địa phương. Dưới đây là những món lẩu phổ biến nhất Trung Quốc, phù hợp làm món ăn mùa đông, theo Easy Tour China.
Lẩu Tứ Xuyên
Bắt đầu trở thành ngôi sao sáng trong làng ẩm thực quốc gia từ thế kỷ 19, lẩu Tứ Xuyên được biết đến nhờ vị tê, cay, tươi mới và thơm nồng. Trong đó, cay là linh hồn chủ đạo của món ăn, càng cay càng tốt. Nước lẩu sẽ phủ kín màu đỏ của các loại ớt, hạt tiêu.
Ngày nay, món lẩu Tứ Xuyên được cho thêm nhiều loại thịt khác để ăn kèm như bò, gà thái lát, cá phi lê, đậu hũ, đậu chiên, bánh gạo, hoành thánh, nấm rơm, mộc nhĩ, cải thảo, nấm kim châm… Ảnh: Sohu
Lẩu Trùng Khánh và lẩu Thành Đô là hai loại phổ biến, nổi tiếng nhất của Tứ Xuyên (Trùng Khánh trước đây thuộc tỉnh Tứ Xuyên, năm 1997 tách thành thành phố trực thuộc trung ương. Thành Đô là tỉnh lỵ của Tứ Xuyên).
Lẩu Trùng Khánh còn được gọi là lẩu bao tử hay lẩu cay, có nguồn gốc từ cuối triều nhà Minh sang đầu nhà Thanh. Thành phần chính khi đó là nội tạng động vật và tiết.
Lẩu Thành Đô có vị nhạt hơn, và một nồi nước lẩu thường được ngăn đôi. Mỗi ngăn chứa một vị. Hương vị của món lẩu tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyen này chủ yếu dựa vào các loại gia vị bí truyền của từng nhà hàng.
Lẩu cừu Bắc Kinh
Đây là một loại lẩu truyền thống kiểu Bắc Kinh cổ. Thịt cừu được thái lát mỏng, nhúng vào nước dùng trong vắt (có hành tây, gừng và kỷ tử). Món này ăn kèm đậu que, mì bắp cải… Đây là món mùa đông được yêu thích của người dân địa phương, vì họ tin rằng nó có tác dụng bồi bổ cơ thể.
Lẩu còn có tên gọi khác là lẩu than, vì nồi lẩu được đựng trong một chiếc nồi đồng, bên dưới để than nóng, cồn khô để đun. Ảnh: Pinterest
Lẩu bò Triều Sán
Đây là một lựa chọn thay thế tuyệt vời dành cho thực khách không ăn được cay. Lẩu bò Triều Sán có nước dùng thanh nhẹ nhưng bổ dưỡng, được làm từ xương bò ninh nhừ và củ cải trắng. Nước lẩu không có bất kỳ loại ớt nào, và nguyên liệu chính là thịt bò.
Lẩu nấm Vân Nam
Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, có nhiều loại nấm đến mức bạn có thể nhìn thấy chúng ở bất kỳ đâu khi đến chợ địa phương vào mùa mưa. Ở đây, mùa mưa là mùa nấm. Người Vân Nam có nhiều cách để chế biến thực phẩm này, từ hấp, xào và làm lẩu. Nguyên bản của món lẩu này là cho các loại nấm vào nồi nước dùng để ăn, và không kèm thịt.
Món lẩu nấm thường không ăn kèm thịt. Ảnh: Sohu
Lẩu cá lăng nấu chua Quý Châu
Món ăn này được lấy cảm hứng từ món ăn nổi tiếng của Quý Châu là “canh cá chua”. Cá thường được dùng là cá lóc, ninh nhừ để làm nước lẩu và thêm gia vị như hạt tiêu. Ngoài ra, người dân còn cho thêm các gia vị khác để nước lẩu thêm thơm, ngon và mang hương vị độc đáo.
Lẩu dưa cải ăn kèm thịt trắng
Đây là món ăn đặc sắc của vùng đông bắc (Sơn Đông, Liêu Ninh và Tế Nam), với nguyên liệu chính là bắp cải muối và thịt lợn. Các món ăn kèm gồm cua, mì cùng gia vị là dầu tôm. Với những người xa xứ, đây là món ăn khiến họ vơi nỗi nhớ nhà.
Anh Minh (Theo Easy Tour China)